Đa phần trẻ nhỏ trong giai đoạn sơ sinh đều ít nhất 1 lần trong đời trải qua chứng ọc sữa, nhất là sau khi bú và hiện tượng này sẽ giảm dần rồi biến mất khi bé 6-12 tháng tuổi. Dù chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng ba mẹ cũng cần lưu ý và khắc phục.
Vì nếu lơ là và không xử lý kịp thời thì triệu chứng này vẫn có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực hay nói đúng hơn là gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bài viết này sẽ giúp phụ huynh có cái nhìn toàn diện về ọc sữa, nôn trớ ở trẻ. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Vì sao trẻ thường ọc sữa?
Nguyên nhân chính là do dạ dày của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện. Ngoài ra còn do những yếu tố khách quan như bé hay vặn người sau khi mới bú no. Do mẹ bế bé bú sai tư thế. Trẻ khóc hoặc ho kéo dài cũng kích thích phản xạ này. Những dấu hiệu ọc sữa do sinh lý này thường tự hết sau 6 – 24 tiếng mà không cần áp dụng bất kỳ cách điều trị đặc biệt nào. Nếu bé nhà bạn vẫn khoẻ mạnh và phát triển bình thường thì bạn không cần phải lo lắng về hiện tượng này.
2. Cách xử lý và khắc phục ọc sữa sinh lý
– Giữ bình tĩnh và xử lý nhanh cho bé:
Ba mẹ cần giữ bình tĩnh cho cả mình lẫn bé và nhanh chóng bế bé ở tư thế thẳng người để tránh dịch chảy ngược vào mũi. Lau chùi xung quanh mồm miệng cho bé theo hướng từ trên xuống rồi thay nhanh quần áo cho bé. Ôm và cưng nựng bé để bé bình tĩnh, không hoảng sợ. Không nên vội vàng cho bé bú lại ngay mà cần cho trẻ nghỉ ngơi từ 30 phút – 1 tiếng để bé hồi phục sức khỏe.
– Giúp bé ợ hơi sau khi bú:
Sau khi bé bú xong, mẹ nên bế bé theo chiều thẳng đứng hoặc cho bé nằm tựa đầu vào bờ vai của mẹ rồi nhẹ nhàng xoa lưng cho bé đến khi bé ợ hơi. Hoặc khi bé bú được một lúc, mẹ có thể cho bé nghỉ một chút để nấc rồi lại tiếp tục cho bú. Nếu bé vẫn chưa ợ hơi được thì mẹ nên ôm trẻ dựa vào mẹ và đứng thẳng trong vòng vài phút để khí trong bụng trẻ từ từ thoát ra.
– Lưu ý quá trình bú của trẻ:
Trong lúc bú, hạn chế cho trẻ mút quá nhanh, sẽ làm không khí đi vào dạ dày gây sặc cho con. Mẹ nên cho bé bú từ từ, nhẹ nhàng. Nếu bé có các vấn đề về đường tiêu hóa hoặc dạ dày thì quá trình ăn uống của bà mẹ cho con bú cần lưu ý hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường.
– Chia nhỏ các lần bú:
Thay vì cố ép trẻ bú nhiều trong 1 lần bú thì mẹ nên chia nhỏ các lần bú ra và mỗi lần cho bé bú vừa đủ no vừa tránh ọc sữa cũng vừa đảm bảo đủ lượng sữa cho con.
– Kiểm tra đầu ti của bình sữa:
Nên chọn ti có lỗ không quá to vì ti to sẽ làm tốc sữa chảy nhanh vào miệng bé kèm theo 1 lượng hơi, gây sặc. Ti quá nhỏ sẽ gây khó khăn cho phản xạ bú mút của bé.
– Đừng chủ quan khi trẻ bị ọc sữa:
Trong cơ quan hô hấp, thực quản nằm ngay sau khí quản. Khi bé nuốt sữa, khí quản đóng lại, nhờ đó sữa được đưa từ thực quản vào dạ dày. Vì vậy, bé ăn no bụng và không bị sặc. Ngược lại, trong quá trình cho bé ăn, hay bú mẹ sữa bị chảy vào khí quản thì sẽ gây ra hiện tượng sặc sữa. Trong trường hợp nhẹ, mẹ chỉ cần vuốt nhẹ sau lưng cho bé, dần dần bé cũng biết thích nghi với việc vừa bú vừa thở.
Nếu bé thường xuyên gặp phải hiện tượng này thì người mệt mỏi, từ đó bỏ sữa mẹ và chậm phát triển. Trong trường hợp nghiêm trọng, sặc sữa có thể gây tắc hệ hô hấp dẫn tới ngạt thở, cũng có thể khiến hệ thần kinh não thiếu khí gây ra di chứng hoặc khiến trẻ thiệt mạng. Vì vậy, dù bé có dấu hiệu nôn trớ hay sặc sữa thì mẹ cần có biện pháp xử lý kịp thời, để sữa từ từ đi vào dạ dày trẻ, đồng thời quan sát màu sắc da có chuyển màu hoặc bé có thở nhanh gấp không và nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Mong rằng với những chia sẻ này sẽ giúp ba mẹ có thêm thông tin về chứng ọc sữa của con. Ngoài ra, tham khảo thêm tại đây những cách giúp trẻ chống nôn trớ, ọc sữa hiệu quả khác.