Nôn trớ từ lâu đã không còn là triệu chứng xa lạ với những ông bố bà mẹ có kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Nhưng với những người lần đầu làm mẹ bỉm sữa thì sẽ vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ bị ọc sữa. Cùng tìm hiểu nhé!
1. Vì sao trẻ nhỏ hay bị nôn trớ?
Trẻ sơ sinh bị nôn trớ sữa, nguyên nhân là do một lượng ít sữa còn lưu giữ trong túi khí của bé khi bú hoặc do van cơ ở phía dạ dày còn quá yếu, chưa được hoàn thiện. Sau khi bé bú xong các van này đóng không chặt, dễ mở nên gây ra hiện tượng nôn trớ không kiểm soát ở trẻ nhỏ. Đây là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường và trẻ sẽ tự khỏi khi lớn. Thường là vào khoảng cột mốc 1 tuổi, trẻ sẽ dần hết nôn trớ.
2. Cách khắc phục nôn trớ cho con trẻ
– Cho trẻ bú đúng cách:
Đây là một trong những biện pháp tốt nhất nhằm hạn chế trẻ bị nôn trớ sữa sau khi bú. Theo đó, mẹ nên cho bé bú bên trái trước vì khi đó bé sẽ nằm nghiêng bên phải, lượng sữa trong dạ dày còn ít sẽ không bị nôn trớ, sau đó mẹ hãy chuyển sang cho bú bên phải, bởi lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa nên cần nghiêng sang bên trái. Nếu trường hợp bé bú bình thì bạn cần đảm bảo núm vú phải luôn đầy sữa và không để bình sữa nằm nghiêng khi cho bé bú.
Ngoài ra, trong quá trình bú bạn cũng nên dỗ dành bé để bé không quấy khóc, vì khi khóc sẽ nuốt nhiều hơi làm căng dạ dày dễ gây nôn trớ. Đồng thời, cũng không nên đùa giỡn, khiến bé cười nhiều cũng khiến thức ăn bị trào ngược ra ngoài.
– Chia nhỏ các lần bú:
Giai đoạn sơ sinh, mỗi ngày bé nên có ít nhất tối đa 6 cử bú và mỗi cử cách nhau từ 2 – 4 tiếng. Mỗi lần bú mẹ nên cho bé bú nhiều nhất là 30 phút. Vì dạ dày trẻ còn non yếu không thể cùng 1 lúc chứa nhiều sữa được. Bú ít nhưng đảm bảo chất lượng.
– Cho bé mặc quần áo rộng rãi:
Một biện pháp nữa để hạn chế trẻ bị nôn trớ là bạn hãy nới rộng quần áo, tã quấn ra không nên mặc quá chật sẽ khiến cho thành bụng và dạ dày của sẽ bị chèn ép làm đẩy thức ăn ra ngoài. Vì vậy, đối với trẻ sơ sinh tốt nhất bạn nên cho bé mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng nhất là khu vực quanh bụng của bé nhé.
– Giúp bé ợ hơi:
Một điều quan trọng nữa mà các mẹ cần phải hết sức lưu ý là giữ đúng tư thế sau khi cho bé bú xong. Theo đó, sau khi bú xong bạn nên bế bé cao đầu trong khoảng 15-20 phút, vỗ nhẹ lưng cho bé ợ hơi đẩy không khí ra ngoài rồi hãy cho bé nằm nghiêng bên trái và kê đầu cao một góc 30 độ. Lưu ý, bạn không nên cho bé bú trong tư thế nằm vì khả năng bé bị trào ngược sẽ cao hơn, đồng thời bạn cũng không nên thay đổi tư thế đột ngột khi cho bé bú hoặc ăn nhé.
Nếu sau khi ba mẹ đã sử dụng mọi cách mà tình trạng nôn trớ không giảm thì hãy đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bé và tìm ra nguyên nhân nhé!