Trẻ em có những lúc nóng nảy dẫn đến những hành vi gào khóc, giận dỗi. Những lúc này, các bậc phụ huynh thường rất khó chịu và cấm con không được biểu lộ như vậy. Nhưng, thay vì mắng phạt, chúng ta nên dạy trẻ cách điều khiển cảm xúc của mình.
Đừng nên cắt đứt cảm xúc của trẻ, vì cảm xúc được tạo ra từ một sức mạnh hữu ích, có khi là sức mạnh vô ý thức. Do đó, thay vì hạn chế thì chúng ta cần sử dụng cảm xúc khôn khéo nhất có thể.
Nguyên tắc 1
Đối với trẻ, cảm xúc phải được dẫn đạo ngay, lúc này, rất thuận tiện tập cho trẻ uốn nắn cảm xúc như cây tre non thành nề nếp ngay thẳng.
Cảm xúc của trẻ phát hiện lần lần dưới ảnh hưởng xung quanh, nhất là ảnh hưởng người mẹ. Chúng ta không nên khêu gợi cảm xúc của trẻ một cách vô ích như quá mơn trớn, quá chiều chuộng; vì hành động này không có lợi gì, trái lại sẽ “ru ngủ” con trẻ và làm cho nó nhu nhược. Phải hành động đúng mực. Bà mẹ yêu con vừa đủ và hữu lý, chứ không nên chiều con quá đáng, gây cho con tính lười biếng, kiêu căng, ích kỷ.
Ngoài ra, không nên để con trẻ tiếp xúc với những người quá nóng nảy, có thể ảnh hưởng sâu xa vào cuộc đời, không nên đi theo những thay đổi và ý riêng của trẻ. Nếu theo ý trẻ để được cười được khóc, nó sẽ đòi hỏi khôn cùng, nó sẽ làm khổ cha mẹ, nó sẽ dùng tiếng cười tiếng khóc để đòi hỏi thật vô lý, theo ước vọng phù hoa của nó. Sau này, nó không giữ nổi cảm xúc, sẽ trở thành nô lệ và nạn nhân của bao thay đổi, của những lạc thú và của sự sợ khổ.
Nguyên tắc 2
Con trẻ lớn dần, việc quan trọng nhất là dạy cho nó điều khiển cảm xúc. Đầu tiên, đừng để con trẻ duy trì và lặp lại những tình cảm, những xúc động xấu; ví dụ khi bị quở mắng, đừng cho nó ngấm ngầm báo thù, gây hấn.
Trái lại, những cảm tình bổ ích và tốt đẹp, phải nuôi dưỡng và bảo tồn để làm điều kiện cho trẻ can đảm và hăng hái. Ví dụ đứng trước bệnh nhân, đứa trẻ cảm thương bùi ngùi. Lúc đó, nhấn mạnh và tăng cường cảm xúc của nó để giữ lâu bền. Đồng thời ngay bây giờ, cấm trẻ những hành động gì gây ra cảm tình bậy bạ, bất chính như làm khổ súc vật, làm hại bạn bè. Nếu nhiều lần, cái thích thú làm khổ mọi người xung quanh ăn vào tâm hồn, khó nhổ đi.
Ngoài ra, loại bỏ những hành động gây ra cảm tình xấu, chúng ta giúp trẻ cố tạo ra những cảm tình tốt, hy sinh và thích thú ăn ở rộng rãi tha thứ, khóc thương người bệnh tật, bớt khổ cho kẻ nghèo. Cảm thương tức là hành động giảm đau cho người, là nỗ lực giúp người được hạnh phúc.
Nguyên tắc 3
Cảm xúc phát triển và chiếm địa vị xứng đáng trong cuộc đời. Nó là sức mạnh chống đỡ cuộc đời tiến thủ dưới sự chỉ dẫn của lương tâm.
Đặc biệt trong con trẻ, cần xem xét vấn đề liên quan đến cảm xúc, nếu không giải quyết hay giải quyết sai, nó biến thành xung đột, để lại những dấu vết trong tâm hồn làm khó việc phát triển, có thể đưa đến những thắc mắc lo âu, những ích kỷ nhỏ nhen.
Nhiều nhà nghiên cứu xem trẻ biếng ăn cũng liên quan đến vấn đề cảm xúc, những ảnh hưởng tai hại về sau làm cho trẻ suy dinh dưỡng, sợ ăn hay mắc những chứng bệnh do không có sức đề kháng. Chính vì thế, phụ huynh cần sửa trị một cách cương quyết và đầy đủ nghị lực.
Bên cạnh những khó khăn ấy, chúng ta còn thấy nhiều vấn đề cần giải quyết như cho thôi bú, giữ vệ sinh sạch sẽ, đề phòng trẻ lớn ghen trẻ bé, những khuynh hướng trẻ trai với mẹ, trẻ gái với cha. Giải quyết vấn đề này không đúng, dễ dàng làm giảm cảm xúc của trẻ và phát sinh những yếu đuối.