Trong thời gian gần đây, liên tiếp là những “hung tin” về việc xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành trẻ em, buôn bán trẻ xuyên biên giới, … khiến các cha mẹ không khỏi lo lắng, đau đầu không biết làm cách nào để bảo vệ con em mình trước những hiểm họa luôn thường trực ngoài xã hội. Hơn lúc nào hết, vai trò của các trường mầm non trong việc giáo dục cho trẻ kỹ năng sống cần thiết lại được nhấn mạnh và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về thực trạng cũng như chất lượng dạy kỹ năng sống mầm non cho trẻ tại các trường mẫu giáo và trung tâm trên cả nước.
1. Thực trạng dạy và học các kỹ năng sống mầm non
Từ xưa đến nay, việc giáo dục những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em ở lứa tuổi mầm non ở nước ta nhìn chung còn rất hạn chế và hầu như không được chú trọng. Chúng ta vẫn thường hay gọi các trường mẫu giáo là nhà trẻ, và tên gọi này quả thực đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cha mẹ thì phó mặc con cái cho các cô giáo, gửi con đến nhà trường mầm non để gọi là có nơi “giữ trẻ” hộ, có bạn và không gian an toàn để trẻ tha hồ vui chơi, từ đó dẫn đến tâm lý ỷ lại vào các cô giáo, an tâm rằng trẻ ở trong trường là an toàn, “ổn áp” từ đầu đến chân, cha mẹ chỉ cần ngày hai buổi đưa đi đón về. Thêm vào đó, tâm lý bao bọc, chiều con của phần lớn phụ huynh Việt Nam khiến cho các bé trở thành các “con gà công nghiệp” đúng nghĩa, non nớt, mong manh và từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng hoặc làm tổn hại đến sức khỏe cũng như tình thần các bé một cách dễ dàng hơn.
Phụ huynh đã như vậy, thế còn bản thân các trường mầm non thì sao ? Thực tế mà nói thì các trường mầm non cũng chỉ hoàn thành ở mức “tròn vai” chứ chưa thực sự hiệu quả cũng như chủ động trong công tác giáo dục, dạy cho trẻ các kỹ năng sống mầm non cơ bản giúp trẻ tồn tại và phát triển một cách tích cực và lành, mạnh nhất. Tuy nhiên, cũng không thể dồn hết trách nhiệm lên các trường mầm non được vì chính bản thân các trường (chủ yếu là trường công lập), cũng đang còn loay hoay, khốn đốn vì khả năng và điệu kiện có hạn, không để đáp ứng hết cũng như bao quát, giáo dục các em một cách tỉ mẩn, sâu sát được (bởi vì số lượng trẻ thực chất đã vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường cũng như giáo viên đến mấy chục lần). Đây quả thực là vấn đề hết sức đau đầu, cấp bách đặt ra với toàn bộ hệ thống giáo dục công lập trên cả nước.
Bên cạnh các trường công lập, cha mẹ có còn có thêm những sự lựa chọn đối với các trường tư thục, dân lập hoặc mô hình trường quốc tế đang rất được ưa chuộng trong vài năm trở lại đây. So với trường công lập, hệ thống các trường mầm non kể trên có ưu điểm là sĩ số trẻ/ lớp không nhiều, cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, khang trang, thậm chí đạt tiêu chuẩn quốc tế (tại các trường mầm non quốc tế). Các trường mầm non này hoàn toàn có khả năng và quả thực là luôn đan xen các giờ dạy kỹ năng sống giành cho các bé mầm non, có không gian cũng như các mô hình sinh động, các tình huống sát thực tế khiến các bé thích thú và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, học phí hơi “chát” của các trường mầm non này lại là rào cản không dễ vượt qua đối với phần đa các bậc phu huynh tại Việt Nam hiện nay.
2. Đã đến lúc cần thay đổi
Thực ra cũng không thể nói là đã đến lúc, mà bây giờ là hơi muộn rồi, phải thay đổi ngay và luôn, “đi tắt đón đầu”. Cha mẹ giờ đây cần đóng một vai trò lớn hơn trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái, không ỷ lại nữa, mà cần phối hợp với nhà trường, hỗ trợ các giáo viên trong việc giáo dục, rèn luyện cho các con những kỹ năng sống mầm non thiết yếu trong cuộc sống. Nên nhớ, chính việc tương tác, tham gia cùng với trẻ chính là yếu tố tiên quyết giúp sợi dây kết nối giữa trẻ với gia đình thêm bền chặt hơn, trẻ cảm nhận được sự yêu thương, động viên cổ vũ từ phía cha mẹ, sẽ dần dần tự tin, thoải mái khi tham gia các hoạt động tập thể, tiếp thu các bài học về kỹ năng sống một cách tích cực, và biết đâu, những khả năng tiềm ẩn của trẻ sẽ có cơ hội được bộc lộ. Việc hình thành nên thói quen, thành thạo các kỹ năng sống mầm non không phải ngày một ngày hai mà làm được, nó đòi hỏi quá trình luyện tập, lặp đi lặp lại nhiều lần, liên tục trong một thời gian dài. Thế nên chỉ có nhà trường “đơn thương độc mã” thì chắc chắn không mang lại chút hiệu quả thiết thực nào.
Cùng với sự thay đổi của các bậc phụ huynh, nhà trường, giáo viên cũng nên có những thay đổi phù hợp. Các cô nên chủ động đổi mới phương pháp giáo dục, phong phú hơn, thú vị hơn, thông qua các buổi dã ngoại, các hoạt động ngoài trời (huy động kinh phí thêm từ phụ huynh) để cải thiện cơ sở vật chất, tạo không khí vui tươi, khuyến khích các bé xử lý các tình huống, tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm,… Quan trọng hơn cả, các cơ quan, ban ngành cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác dạy và học tại các trường mầm non, hỗ trợ kinh phí, phối hợp tổ chức những hoạt động vui chơi, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người về sự cần thiết của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non.
Kết luận
Như vậy, việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, nhất là trong thời kỳ “rối re” như hiện nay. Đã đến lúc cha mẹ, nhà trường cần phải thay đổi và thay đổi triệt để về tư duy giáo dục trẻ em. Mỗi trẻ có những yếu tố cá nhân khác nhau và sự ảnh hưởng của
các quan hệ xã hội cũng như hoàn cảnh sống, môi trường trải nghiệm khác nhau nên nhà giáo dục cần có những hình thức, biện pháp linh hoạt, hợp lý và tận dụng các điều kiện để tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được tự trải nghiệm.Với kĩ năng sống phong phú trẻ sẽ biết cách khai thác kiến thức từ cuộc sống xung quanh, tạo lập các mối quan hệ với tự nhiên và con người để sống an toàn, hòa bình và phát triển.
>>> Tìm hiểu thêm: Học phí trường mầm non quốc tế tphcm