Ở các trẻ nhỏ tính tình luôn khác biệt là một sự thật dĩ nhiên, vì thế chúng cũng có những đặc tính và cách sống khác nhau. Chúng ta hãy quan sát tâm tình của trẻ và sử dụng phương pháp phù hợp cho từng loại tính cách.
1. Loại trẻ sáng sủa và nhanh nhẹn.
Loại này dễ xấu hổ đỏ mặt, vì chúng có máu nóng. Chúng có khuôn mặt tròn, dễ yêu, chúng làm điệu bộ hấp dẫn. Chúng dẻo dai, mềm mại và kể chuyện khéo léo, đôi khi nói khoác. Tài khéo léo bề ngoài này làm cho chúng thành công hơi kẻ khác.
Chúng học hành nhanh chóng dễ dàng, nhưng nông cạn, không đi sâu vào vấn đề. Chúng hiểu nhanh nhờ nhiều tưởng tượng nên cũng tài ba và có thành tích nghệ thuật.
Loại trẻ này có lòng rộng rãi hay thích giúp đỡ người nghèo nên thường đạt được tình cảm của mọi người xung quanh. Sau này vì lý do nào, nếu chúng dễ uốn theo hành động sai trái thì một khi chúng nhận ra lỗi lầm, chúng dễ hối hận và sửa mình.
Nếu nhà giáo dục biết uốn nắn, thì loại trẻ này dễ tỏ lòng vâng phục và yêu thương tha thiết, nhất là chúng chịu hy sinh vất vả để đạt được ý nguyện cao cả.
2. Loại trẻ có nét mặt xanh xao.
Loại trẻ này đổi màu sắc da mặt nhanh chóng, hoặc vì xúc động, hoặc vì hoàn cảnh bên ngoài đem đến. Khuôn mặt dài, trán hơi cao, cử động run run trong những lúc kích thích.
Loại trẻ này có tính thông minh tinh tường, có ý tưởng và quan điểm riêng, hay bình luận, chỉ trích. Chúng thích sống lặng lẽ âm thầm, nhưng khi phải nói thì nói đàng hoàng, có điệu bộ lý lẽ, chúng hay giấu giếm câu chuyện, không hay nói hết.
Chúng có lòng tốt, có thiện chí, đại lượng, nhiều lần không biểu lộ ra ngoài. Chúng ham mê làm việc, nhưng hay thất vọng khi gặp trắc trở hay bị công kích.
Loại trẻ này có ý chí, chúng ta nên nâng đỡ và gần gũi để chúng can đảm tiến bước. Bởi vì chúng dễ cảm vất vả, không chịu nỗi trước ngăn trở và thất bại, nên chúng ta cần an ủi chúng, biện lý khôn khéo cho chúng can chịu.
3. Loại trẻ có nước da ngăm ngăm, đầu to, hàm to.
Loại trẻ này lực lưỡng, khỏe mạnh, chúng có những cử động mạnh, nhưng hay bẩn tính và cộc cằn, làm cho kẻ khác dễ khó chịu.
Loại trẻ này không hay nói, nhưng một khi nói là nói thẳng, nói thật; vì chúng sống thực tế nên ít lo tranh luận, chúng không tế nhị sâu sắc. Chúng hơi có vẻ khinh thị người suy luận, vì chúng muốn mọi người đều chuyển về hành động thực tế, cứng rắn vững vàng.
Khi vào công việc, chúng đem cả tâm trí, không nề hà khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm. Đôi khi thì chúng hành động thái quá vì hơi ham hố và ích kỷ.
Loại trẻ này có nghị lực, nhẫn nại, dẻo dai. Nhiều khi chúng ngoan cố trong quyết định, chúng quyết định vội vã và lôi kéo kẻ khác theo chúng hành động. Chúng hay đứng đầu điều động, làm thủ lĩnh, sáng kiến cách thức làm việc cũng như trong các trò chơi.
4. Loại trẻ đa cảm không làm chủ tình cảm và ý chí.
Loại trẻ này có cằm to, phía dưới, thiếu gân guốc, tuy người da dẻ xanh xao, nét mặt không màu sắc. Chúng cử động từ tốn, đi đứng chậm chạp, có khi nặng nề. Lúc nào cũng lãnh đạm, không bao giờ mặn mà tha thiết.
Loại trẻ này ít nói, nhưng khi có dịp nói thì nói rõ ràng và nói hết tâm tình. Chúng học hành cũng như cử chỉ hoạt động đều chậm chạp, chúng thiếu tinh thần học hỏi, không muốn tìm tòi nghiên cứu nhưng điều gì chúng hiểu thì nhớ lâu không phai mờ.
Loại trẻ này không nhiệt tình, không ham mê công việc; nhiều khi chúng tỏ ra yếu đuối và bất cần, không nghe lời chỉ bảo. Một khi chúng mê làm việc gì thì chúng tỏ ra trung thành cương quyết và tuyệt đối.
Chúng tỏ ra nặng nề, không có gì quyến rũ nổi hay lung lạc nổi. Trong các môn thể dục ở nhà trường chúng thường đi sau cùng và có vẽ bệ sệ. Vì chúng thích những đồ chơi không xáo trộn và không cần tìm tòi vất vả lâu la.
Những tính nết kể trên là nét chính của từng loại trẻ, nhưng không dễ dàng thấy đầy đủ nơi một con trẻ. Tính nết thường hỗn hợp trong con trẻ. Muốn giáo dục cho chúng thành người, chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng và tìm ra bản tính chủ cốt.